Con đường khởi nghiệp của chàng trai bỏ lương nghìn “đô” về SXNN

Là một chuyên gia công nghệ hàng ngày tiếp cận nhiều thông tin mới. Vấn nạn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường làm Tiến nóng lòng rời bỏ công việc từng là mơ ước quyết định đi lên từ nông nghiệp. Đó là quyết định kỳ lạ và "quái đản" của chàng trai Khuất Duy Tiến quê huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.

Hành trình từ chuyên gia CNTT trở thành doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Khuất Duy Tiến

Xuất thân từ gia đình thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính, từ nhỏ đã chứng kiến việc sản xuất nông nghiệp của bà con làng xóm dựa vào phân vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...gia đình ở gần đồng, cứ vào vụ là cả nhà lại kêu nhức đầu, chóng mặt vì mùi thuốc trừ sâu.

Quyết tâm bỏ làng ra phố

Không đành lòng với môi trường sống như vậy, Tiến quyết định tập trung học hành mong sao rời đi càng nhanh càng tốt. Cầm trong tay một bằng cử nhân CNTT, một bằng quản trị kinh doanh, một chứng chỉ mạng quốc tế, Tiến vào làm cho một tập đoàn công ty với mức lương mà bao người từng mơ ước. Công việc dần đi vào ổn định, thừa rất nhiều thời gian trống, không chịu ngồi yên, Tiến len lỏi vào công việc kinh doanh.

Dành dụm được ít tiền Tiến hùn vốn cùng một số người bạn ở quê nuôi con đặc sản ba ba, lươn, ếch được gần một năm do kém kỹ thuật để môi trường ao bị ô nhiễm chưa đến lúc thu hoạch con đặc sản chết hàng loạt dẫn đến thất bại đau đớn, lỗ vốn trên 200 triệu. Không nản trí, chàng trai vay mượn thêm bạn bè đầu tư đốt than hoa, than nén, nghiền bột hương nhưng được hơn một năm phải dừng vì số lượng củi khai thác có hạn, giá lại cao không có lãi, cục nợ lúc này lên đến 350 triệu đồng.

Cay đắng nhất là khi Tiến quyết định mạo hiểm mở công ty cổ phần về xây dựng, mượn gia đình sổ đỏ thế chấp, liều mình mua công nghệ sản xuất gạch siêu nhẹ chuyên cung cấp cho các tòa nhà chung cư cao tầng ở Hà nội.

Tưởng chừng giàu lên phút chốc thì đến đầu năm 2013 quả bong bóng đất bất thình lình nổ tung, các nhà thầu dừng thi công và không có khả năng chi trả.

Hàng ngày, Tiến bỏ việc đi lăn lóc đòi nợ không được, áp lực nợ nần, Tiến thất bại trong tuyệt vọng một lần nữa.

Mất niềm tin từ gia đình, chịu sự rèm pha bàn tán của bạn bè, người quen, Tiến dứt ruột giải thể công ty của mình quay về công ty cũ làm việc trong tâm thế cay cú, tủi nhục.

Ý tưởng khởi nghiệp lóe sáng

5 năm gắn bó với tập đoàn công ty với mức lương khá cao, nhưng do áp lực nợ nần chàng trai sinh năm 1984 đã quyết định xin nghỉ việc trong sự hối tiếc của đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.

Dùng số tiền bảo hiểm truy thu của công ty và chạy vạy thêm, Tiến đã quyết định bỏ ra 40 triệu đồng để đi học một khóa học hai ngày liên tục về Marketing online (MMO) trong sự sững sờ của người thân.

Dựa vào kiến thức về CNTT sẵn có Tiến học rất nhanh và chỉ 3 tháng sau đó tiến đã kiếm được vài nghìn “đô” một tháng, đã trả được cục nợ to tướng sau gần một năm và đào tạo cho rất nhiều học viên có thu nhập rất cao.

Doanh nhân Khuất Duy Tiến đã từng đào tạo cho hàng trăm học viên có thu nhập hàng nghìn “đô” trên Internet. Ảnh: Khuất Duy Tiến.

Do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc Internet một lần nữa vấn nạn về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường đang bị ô nhiễm lại một lần nữa khoáy vào tâm trí. Trong lòng sôi sục muốn làm một cái gì đó bền vững để giúp ích cho xã hội.

Từ một ý nghĩ tưởng chừng đơn giản, sau một lần tình cờ xem thời sự, có lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói về lợi ích, tầm nhìn và mục tiêu nhu cầu phân bón hữu cơ ở nước ta trong những năm tới.

"Trong tôi như bừng tỉnh, từ đó nảy ra một ý tưởng về một loại phân bón tốt cho cây trồng, năng suất cao, chất lượng tốt, không gây tổn hại cho đất, cho môi trường và đặc biệt là sức khỏe con người được đảm bảo”, anh Tiến nói.

Để tìm hiểu về loại phân bón đặc biệt này, ngoài việc tìm kiếm thông tin trên Internet, Tiến tới trường Đại học Nông nghiệp, khoa công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn Lâm, các phòng ban về cây trồng trong Bộ nông nghiệp, các doanh nghiệp và một số mô hình sản xuất.

Trong quá trình đó, cơ duyên Tiến gặp được một người anh đang là tiến sĩ trong ngành công nghệ sinh học chuyên về cấy chủng vi sinh làm phân bón và xử lý rác thải thuộc Viện Hàn Lâm mà sau này anh gọi bằng Thầy.

Tiếp thu ý tưởng, thầy đã đồng hành cùng anh trong suốt quá trình xây dựng ý tưởng, hai thầy trò đã thống nhất cho ra một dự án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và xử lý rác thải môi trường.

Thuận lợi của dự án là: Sản phẩm phân bón 100% hữu cơ rất tốt cho cây trồng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng, giảm sâu bệnh cho cây, nâng cao chất lượng, năng suất nông sản, giải quyết rác thải môi trường, tạo không khí trong lành và điều đặc biệt nhất là cho ra loại thực phẩm tốt cho sức khỏe con người và động vật nuôi nên được rất nhiều người ủng hộ.

Ngược lại khó khăn cũng chồng chất: Vốn liếng xây dựng xưởng, máy móc, nguyên liệu, mặt bằng sản xuất và điều quan trọng là sản xuất phân bón và lưu hành sản phẩm phải được sự cấp phép của Nhà nước.

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ và tự hỏi lòng mình đam mê của mình là gì, mục tiêu của mình là gì, tầm nhìn và đặc biệt sứ mệnh của mình là gì. Cứ hỏi đi hỏi lại mình câu hỏi như vậy và anh đã tìm ra được sứ mệnh của mình.

Sứ mệnh “Nâng tầm giá trị nhà nông” và tháng 06/2016 công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Toàn cầu xanh ra đời với thông điệp “Cải tạo môi trường, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ sức khỏe con người - vì một nền nông nghiệp sạch bền vững”.

Tận dụng nguồn rác thải nông nghiệp rất lớn là phân trâu, phân bò, phân lợn, rau củ quả thải loại…được xử lý qua một loại chủng men vi sinh đặc biệt mà công ty đã nghiên cứu sản xuất rồi đưa nguyên liệu đó vào cho con giun quế ăn tái chế ra một loại phân bón hữu cơ vi sinh rất tốt cho cây trồng.

Ngay sau đó, công ty đã được Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ nông nghiệp cấp phép sản xuất và lưu hành sản phẩm.

Thương hiệu phân bón hữu cơ vi sinh của công ty Toàn Cầu Xanh. Ảnh: Khuất Duy Tiến.

Không chỉ dừng ở đó, anh còn chia sẻ nhân rộng mô hình nuôi Giun quế đầu tiên là bà con quanh khu vực,được anh hướng dẫn kỹ thuật tận dụng nguồn rác thải vật nuôi trong nhà tái chế ra phân bón phục vụ luôn cho vườn ruộng của bà con.

Sản phẩm phân bón hữu cơ giun quế được hoàn thiện và đưa ra thị trường, tập trung vào những khu sản xuất nông nghiệp sạch và được đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm và đặc biệt đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu nông sản.

Trước nhu cầu khá lớn mà sản lượng chưa thể đáp ứng đủ, doanh nhân trẻ quyết định kêu gọi đầu tư nhân rộng mô hình nuôi giun quế và bao tiêu lại sản phẩm cho các nhà đầu tư.

Song song với đó, anh liên kết với các đối tác mở đại lý phân bón ở các tỉnh cung cấp cho bà con để bà con biết được lợi ích thực sự khi sử dụng loại phân bón hữu cơ vi sinh này.

Khu sản xuất Giun giống của anh Tiến để cung cấp cho bà con nông dân. Ảnh: Khuất Duy Tiến

Sau một năm kiểm chứng về chất lượng hiện nay, các trang trại, nhà vườn sử dụng phân hữu cơ vi sinh của anh đã có phản hồi rất tích cực, đó là nguồn động lực vô cùng lớn đối với anh. Các đơn đặt hàng ngày càng nhiều và kế hoạch tiếp theo của Tiến là kêu gọi vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp thiết bị máy móc để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Anh Tiến chia sẻ thêm, các bạn trẻ ở nước ta rất thích khởi nghiệp, nhưng đa số các bạn chọn mảng viễn thông, công nghệ, dịch vụ vì sợ chân lấm tay bùn.

Theo anh Tiến nghĩ, nước ta là một nước nông nghiệp, điều kiện đang rất thuận lợi, chúng ta làm gì nên hướng về nông nghiệp. Anh Tiến tin rằng tương lai nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển mạnh.
Nguyện vọng của anh Tiến là được cộng tác, làm việc với các bạn trẻ có cùng đam mê về nông nghiệp. Cùng nhau chung tay vì một nền nông nghiệp sạch bền vững.

Bạn đọc quan tâm đến mô hình của anh Khuất Duy Tiến của thể liên hệ:

Điện thoai liên hệ: 0977302819
Facebook: https://www.facebook.com/khuatduy.tien.5

 

Theo: moitruongvadothi.vn

 

 



Tin khác